image banner
  
HỎI - ĐÁP VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ
Lượt xem: 6
Anh-tin-bai

Câu hỏi 1: Chuyển đổi số là gì?

Trả lời: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Câu hỏi 2: Chuyển đổi số quốc gia là gì?

Trả lời: Chuyển đổi số quốc gia bao gồm 3 cấu phần chính, lần lượt là chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước nhằm phát triển chính phủ số, chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp nhằm phát triển kinh tế số, chuyển đổi số trong hoạt động của người dân nhằm phát triển xã hội số.

Câu hỏi 3: Chính phủ số là gì?

Trả lời: Chính phủ số là chính phủ có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.

Câu hỏi 4: Kinh tế số là gì?

Trả lời: Kinh tế số được hiểu là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, dữ liệu số để tăng năng suất lao động; sử dụng mạng nternet, mạng công nghệ thông tin làm không gian hoạt động chính. Kinh tế số bao gồm tất cả các lĩnh vực và nền kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; sản xuất, phân phối, lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, logistic, tài chính ngân hàng,…) mà công nghệ số được áp dụng.

Câu hỏi 5: Xã hội số là gì?

Trả lời: Xã hội số là xã hội của con người trong môi trường số, cung cấp nhiều dịch vụ và nền tảng số giúp cho cuộc sống con người được thuận tiện và dễ dàng; tạo ra nhiều việc làm với năng suất lao động cao hơn, xã hội an toàn và nhân văn hơn.

Câu hỏi 6:Vì sao Việt Nam phải chuyển đổi số?

Trả lời: Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên chuyển đổi số là cơ hội lớn cho Việt Nam ứng dụng cái mới, thành quả phát triển công nghệ số thế giới, để từ đó phát triển đột há vươn lên, thay đổi thứ hạng quốc gia. Trong đó, Chính phủ số giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao chất lượng phục vụ cuộc sống của người dân.

Câu hỏi 7: Chuyển đổi số đem lại lợi ích gì cho người dân?

Trả lời: Chuyển đổi sốgiúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo tri thức, qua đó thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Câu hỏi 8: Chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước thực hiện như thế nào?

Trả lời: Chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước là hoạt động phát triển chính phủ số của các cơ quan trung ương và tương ứng với đó là hoạt động phát triển chính quyền số, đô thị thông minh của các cơ quan chính quyền các cấp ở địa phương.

Chuyển đổi số cơ quan nhà nước tập trung vào phát triển hạ tầng số, phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; tạo lập dữ liệu về kinh tế - xã hội phục vụ ra quyết định chính sách; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, cả trên thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.

Câu hỏi 9: Các lĩnh vực nào được ưu tiên chuyển đổi số?

Trả lời: 08 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số là y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp.

Câu hỏi 10: Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế thực hiện như thế nào?

Trả lời: Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế là ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa cho người dân, giúp giảm tải các cơ sở y tế, hạn chế tiếp xúc đông người, giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh...

Câu hỏi 11: Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục thực hiện như thế nào?

Trả lời: Chuyển đổi số trong giáo dục là việc áp dụng công nghệ vào hoạt động quản lý giáo dục (vận hành, quản lý), vào quá trình dạy - học (đầu tư cơ sở vật chất, công cụ giảng dạy, đổi mới phương pháp giảng dạy, tổ chức lớp học thông minh...).

Chuyển đổi số trong giáo dục giúp lưu trữ các kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu, theo dõi chính xác hoạt động của giáo viên, học sinh và người quản lý, quản lý đầy đủ các thông tin, hồ sơ giáo dục của học sinh rõ ràng, không bị thất thoát hồ sơ, ghi chép chính xác về lịch sử học tập cũng như bảng điểm một cách minh bạch; giúp người học có thể học mọi lúc, mọi nơi; có khả năng tiếp cận nhiều tài liệu học tập, tiết kiệm thời gian và chi phí; dễ dàng tìm kiếm thông tin và khai thác chuyên sâu về các vấn đề quan tâm...

Câu hỏi 12: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp thực hiện như thế nào? Có lợi ích gì cho người dân?

Trả lời: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Trong sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số giúp người nông dân không chỉ mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống mà còn mua cả dữ liệu để phục vụ sản xuất; cho phép người nông dân số bán toàn bộ quy trình chăm sóc sản phẩm ngay từ khâu chọn giống tới khi hình thành sản phẩm. Đồng thời, công nghệ số giúp người nông dân biết tích hợp, kết nối thông tin dữ liệu về giá cả thị trường, tham gia mua bán tư liệu sản xuất và các sản phẩm nông sản trên các sàn giao dịch điện tử; giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản khi vào cao điểm thu hoạch, từ đó giúp người nông dân giữ giá sản phẩm, tránh bị thương lái ép giá…

Câu hỏi 13: Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thực hiện như thế nào?

Trả lời: Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng là xây dựng tài chính điện tử và thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, bền vững, đồng bộ, cùng với việc triển khai toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán.

Chuyển đổi số trong các ngân hàng thương mại để cung cấp dịch vụ ngân hàng số theo hướng phát triển đa dạng các kênh phân phối, đổi mới sáng tạo, tự động hóa quy trình, thúc đẩy hợp tác với các công ty công nghệ tài chính và trung gian thanh toán, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ tài chính ngân hàng nhằm thúc đẩy đưa dịch vụ tài chính - ngân hàng đến gần hơn những đối tượng vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng tiếp cận.

Câu hỏi 14: Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải thực hiện như thế nào?

Trả lời: Chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông vận tải là phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các đường cao tốc, quốc lộ; chuyển đổi các hạ tầng logistics như: Cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận…; cho phép quản lý kết cấu hạ tầng giao thông số, đăng ký và quản lý phương tiện kinh doanh vận tải, quản lý người điều khiển phương tiện giao thông qua hồ sơ số...

Câu hỏi 15: Chuyển đổi số trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thực hiện như thế nào?

Trả lời: Xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu toàn diện nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường, như: Cơ sở dữ liệu về đất đai, quan trắc tài nguyên môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải, viễn thám, biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, khí tượng - thủy văn, địa chất - khoáng sản...; xây dựng bản đồ quốc gia mở làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội; triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai...

Câu hỏi 16: Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp thực hiện như thế nào?

Trả lời: Chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp theo hướng chú trọng phát triển các trụ cột: Xây dựng chiến lược và cơ cấu tổ chức thông minh, xây dựng nhà máy thông minh, vận hành thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động.

Câu hỏi 17: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp thực hiện như thế nào?

Trả lời: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là quá trình thay đổi mô hình cũ, mô hình truyền thống sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, nhằm thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong doanh nghiệp. Từ đó, giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động, nâng cao vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, mở rộng thị trường.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như: Giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và minh bạch hơn, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh và hạn chế sự tắc nghẽn trong quá trình vận hành, khai thác được tối đa năng lực làm việc của người lao động trong doanh nghiệp; người điều hành, quản lý doanh nghiệp có thể chủ động và dễ dàng truy xuất báo cáo về hoạt động của oanh nghiệp, đánh giá chính xác chất lượng công việc của từng nhân viên...

Câu hỏi 18: Ngày Chuyển đổi số quốc gia là ngày mấy?

Trả lời: Căn cứ theo Điều 1 Quyết định 505/QĐ-TTg năm 2022, ngày Chuyển đổi số quốc gia là ngày 10 tháng 10 hằng năm.

Câu hỏi 19: Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm để làm gì?

Trả lời: Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm để:

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

- Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Câu hỏi 20: Mục tiêu của phong trào bình dân học vụ sốlà gì?

Trả lời: Mục tiêu của phong trào bình dân học vụ số là xóa mù số cho toàn dân thông qua việc phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân để góp phần đạt được “mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, như mục tiêu cơ bản được nêu trong Quyết định 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

Câu hỏi 21: Người dân cần làm gì để tham gia chuyển đổi số?

Trả lời: Để tham gia vào chuyển đổi số, mỗi người dân cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng như: Biết sử dụng các thiết bị kết nối như máy tính, điện thoại thông minh; biết sử dụng internet; biết cách thanh toán trực tuyến; có kỹ năng, khả năng bảo đảm an toàn khi tham gia môi trường số; biết cách sử dụng một số ứng dụng thao tác trên môi trường internet…

Câu hỏi 22: Người dân cần làm gì để đảm bảo an toàn trên môi trường số?

Trả lời: Để đảm bảo an toàn trên môi trường số, mỗi người dân cần: (1) Nâng cao kiến thức, hiểu biết pháp luật về sử dụng thông tin số, ứng xử trên mạng xã hội; (2) Kiến thức chung về công nghệ thông tin; (3) Kiến thức cơ bản về chuyển đổi số; (4) Kiến thức chung về an toàn thông tin; (5) Kỹ năng sử dụng ứng dụng, dịch vụ, tiện ích số trên những thiết bị điện tử, công nghệ như điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính; (6) Khi gặp sự cố thì liên hệ với các cơ quan có chức năng giám sát an toàn thông tin, không gian mạng để được tư vấn, hỗ trợ.

Câu hỏi 23: Mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Long An đến năm 2030 là gì? đến năm 2045 là gì?

Trả lời: Theo Kế hoạch số 216-KH/TU, ngày 28/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh Long An đến hết năm 2030, chỉ số xếp hạng đánh giá mức độ Chuyển đổi số tỉnh nằm trong top 10 tỉnh dẫn đầu cả nước; hạ tầng số được đầu tư đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng AI, IoT, Big Data… trong quản lý môi trường, đô thị thông minh; nâng cao chất lượng sống người dân. Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tỉnh có trung tâm đổi mới sáng tạo trọng điểm thu hút nhà khoa học, doanh nghiệp đầu tư.

Đến năm 2045, tỉnh phấn đấu nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, chính quyền điện tử phát triển toàn diện, vận hành hiệu quả. Hạ tầng số hiện đại, bảo đảm phục vụ người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, minh bạch. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững. Các tổ chức khoa học, công nghệ phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, gắn với nhu cầu thực tiễn và chiến lược phát triển địa phương.

Câu hỏi 24: Chỉ tiêu người dân tham gia chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Long An năm 2026 như thế nào?

Trả lời: Theo Kế hoạch số 13-KH/TU ngày 21/4/2025 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai thực hiện Phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh, chỉ tiêu người dân tham gia chuyển đổi số trong năm 2026 như sau:

-Phấn đấu có 100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số.

-Phấn đấu có 60% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNelD.

Câu hỏi 25: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động?

Trả lời: Hiện trên địa bàn tỉnh có 447 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ CNTT (gồm: 64 doanh nghiệp sản xuất phần cứng, điện tử, 13 doanh nghiệp sản xuất phần mềm, 115 doanh nghiệp sản xuất nội dung số, 23 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và 219 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin, 13 doanh nghiệp hoạt động viễn thông).

Câu hỏi 26: Hiện nay có bao nhiêu kênh tương tác trên môi trường số trên địa bàn tỉnh Long An?

Trả lời: Các kênh tương tác trên môi trường số trên địa bàn tỉnh Long An bao gồm: Tổng đài 1022 (0272 1022), Cổng thông tin 1022 (1022.longan.gov.vn), địa chỉ email 1022@longan.gov.vn, Cổng thông tin điện tử của tỉnh (longan.gov.vn), Cổng dịch vụ công của tỉnh (dichvucong.longan.gov.vn), các kênh mạng xã hội chính thức của tỉnh, các nền tảng xã hội số của tỉnh như: “Long An Số”.

Nguồn: BTG&DV Tỉnh ủy

BBT
image advertisement

image advertisement

image advertisement
  image advertisement
image advertisement 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh